Việt Nam là quốc gia đang phát triển hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tuy nhiên, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhằm đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu. Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp Việt Nam theo hướng chất lượng cao và bền vững, ứng dụng công nghệ sinh học được coi là công cụ quan trọng giúp nâng cao năng suất và những đặc tính tốt của các sản phẩm lương thực có nguồn gốc từ động vật và thực vật.
Một trong những mục tiêu phát triển công nghệ sinh học của Việt Nam những năm trở lại đây là tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, có sức chống chịu tốt, phục vụ hiệu quả cho nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản. Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp thường được thực hiện thông qua các kỹ thuật tiên tiến điển hình như: Kỹ thuật cấy mô, kỹ thuật sinh học phân tử và kỹ thuật di truyền.
Đối với trồng trọt: Đã ứng dụng CNSH trong việc tuyển chọn, sản xuất các giống cây trồng như các giống đậu đỗ, các giống lúa lai có năng suất, chất lượng như Đắc ưu 11, Thục Hưng 6, Đại dương 1; Syn 6; Xuyên hương 9838. Nhân giống khoai tây bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào; Ứng dụng ghép cà chua lên gốc cây cà tím và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap; Trồng dưa hấu ghép trên gốc bầu. Áp dụng phương pháp trồng rau, hoa trong nhà lưới, bằng kỹ thuật thuỷ canh, canh tác trên giá thể không đất; Nuôi cấy mô hoa lan, Trinh nữ hoàng cung, khoai tây, cây chuối tiêu hồng… Đã lưu trữ các các loại giống hoa, dược liệu quý hiếm đồng thời sản xuất nhân giống rộng rãi cung cấp cho người sản xuất với giá thành thấp và hiệu quả cao.
Mô hình cà chua ghép trái vụ trồng theo công nghệ VietGap
Đồng thời, CNSH cũng được nghiên cứu, ứng dụng trong nhân giống, bảo tồn các loài cây, con dược liệu và sản xuất các dược chất, các sản phẩm thứ cấp có giá trị, như: cây lô hội, cây dược liệu quý như sâm Ngọc linh, cây Ba Kích cây Trà hoa vàng. Tận dụng các phế thải nông nghiệp, bước đầu đã nghiên cứu, sản xuất nấm giống các loại như nấm Bào Ngư, nấm Mộc Nhĩ, nấm Rơm, nấm Linh Chi, nấm dược liệu có hiệu quả kinh tế cao như Đông trùng hạ thảo… Trong lâm nghiệp: Ứng dụng công nghệ sinh học để nhân giống nhanh một số cây có chất lượng gỗ tốt, thời gian sinh trưởng ngắn phục vụ cho phát triển rừng sản xuất như cây bạch đàn mô, Bạch đàn lai, Keo tai tượng, Dó trầm. Ngoài ra ứng dụng chế phẩm sinh học như chitooligome để kích thích sinh trưởng, nâng cao năng suất và giảm trừ sâu bệnh trong sản xuất lúa, rau. Sử dụng chất điều hoà sinh trưởng thực vật trong điều khiển cây trồng, sản xuất nấm và các chế phẩm vi sinh.
Nấm Đông trùng hạ thảo được nuôi trồng trong phòng thí nghiệm tại Trung tâm ứng dụng KH&CN
Trong chăn nuôi – thú y: Để tuyển chọn những giống con mới, chất lượng cao, CNSH đã được ứng dụng vào sản xuất và tạo giống như: thụ tinh nhân tạo giống bò B.B.B với đàn bò cái nền lai Zebu nhằm nâng cao chất lượng đàn bò thịt; Đối với đàn gia cầm, không chỉ nâng cao chất lượng đàn mà còn đầu tư chăn nuôi gia cầm theo hướng công nghiệp, chuồng trại khép kín, có hệ thống thông gió, làm mát … có sử dụng vaccine trong thức ăn giúp gà kháng bệnh, tăng trưởng tốt. Nhờ ứng dụng rộng rãi các thành tựu công nghệ sinh học trong chăn nuôi đã tạo nên đàn gia súc, gia cầm tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng.
Mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn
Đối với thuỷ sản: Nhờ ứng dụng các kỹ thuật tiến bộ, CNSH về giống, thức ăn, cải tạo môi trường nước đưa vào sản xuất các giống cá có giá trị cao như cá Hồi, cá Tầm, Cá Lăng chấm, Cá Anh vũ, Cá quế, nuôi cá rô phi đơn tính…là như những sản phẩm có tiềm năng và được ưa chuộng trên thị trường.
Trong công tác bảo vệ môi trường, hiện nay việc ứng dụng rộng rãi CNSH giải quyết ô nhiễm môi trường trong sản xuất và đời sống mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao như: xây dựng mô hình xử lý nước thải bằng công nghệ vi sinh, lắp đặt các lò đốt rác bằng khí tự nhiên tại các huyện thị. Trong chăn nuôi đã ứng dụng thành công, hiệu quả cao mô hình đệm lót sinh học đối với gia súc, gia cầm. Sử dụng các chế phẩm sinh học (chế phẩm EM, chế phẩm Biophos, Biomix1) để xử lý chất thải rắn, hầm cầu và nước thải từ các cơ sở chăn nuôi, lò giết mổ và xử lý rác thải qua hình thức ủ phân, sản xuất chế phẩm và phân vi sinh cung cấp cho nhân dân trên địa bàn tỉnh, điển hình như dự án: Ứng dụng chế phẩm sinh học Biomix1 xử lý môi trường chăn nuôi, môi trường nông thôn, góp phần bảo vệ môi trường và phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
Có thể nói, những thành tựu ban đầu đạt được trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp, thủy sản, y tế, môi trường nói chung và nông nghiệp nói riêng đã khẳng định vai trò quan trọng của nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học. Nông nghiệp Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể khi áp dụng những thành tựu công nghệ sinh học vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Qua đó giúp nâng cao năng suất cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị, tiết kiệm chi phí cho người nông dân, góp phần đem lại sự ổn định và bền vững của ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế.
Nguồn: sưu tầm & biên tập bởi BSF Biotech Center